Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 đang được TP.HCM đề xuất mức kinh phí đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng.
Cầu Thủ Thiêm 4 là 1 trong 11 dự án hạ tầng quan trọng được ngành giao thông vận tải TP.HCM đưa vào danh sách trình kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM vào tháng 7 tới. Theo thiết kế, cầu có chiều dài hơn 2 km, tĩnh không thông thuyền 10 m, phần cầu chính nối Thủ Đức với quận 7, quy mô 6 làn xe.
Tháng 12/2022, dự án cầu Thủ Thiêm 4 đã được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai nghiên cứu xây dựng Theo phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư ước khoảng 5.300 tỉ đồng, cao hơn mức dự trình hiện tại khoảng 350 tỉ đồng.
Vị trí cầu Thủ Thiêm 4 (Mũi tên vàng trên bản đồ)
Theo quy hoạch, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được xây dựng từ đường Nguyễn Cơ Thạch (Thủ Đức) bắc qua sông Sài Gòn, nối vào đường Lưu Trọng Lư, quận 7. Hiện nay, các xe lớn buộc phải vòng đi quốc lộ 1 hoặc đường Võ Chí Công qua cầu Phú Mỹ để đi hướng quận 7, Nhà Bè,… Dự án sau khi hoàn thành giúp hạn chế xe vào nội thành, giảm kẹt xe khu vực phía Nam Sài Gòn, đồng thời tăng sự kết nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ngoài ra, thời gian đi từ quận 7, huyện Nhà Bè qua hướng Khu Đô thị Thủ Thiêm cũng được rút ngắn đáng kể khi có cầu Thủ Thiêm 4.
Vào tháng 12/2022, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (bước chuẩn bị dự án) để triển khai nghiên cứu xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT.
Cùng với cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son (Thủ Thiêm 2), cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 4 với Khu Đô thị Thủ Thiêm, chưa xây dựng), cầu Thủ Thiêm 4 là cầu vượt sông Sài Gòn, có điểm đầu từ trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh, và điểm cuối dự án giao giữa đường trục Bắc Nam với tuyến R4 thuộc Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.
TP.HCM có 8 dự án giao thông trọng điểm được ưu tiên khởi công giai đoạn từ 2022-2025 khi bố trí đủ vốn; gồm dự án cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên… Riêng công trình cầu Thủ Thiêm 4 công trình dự kiến thực hiện giai đoạn 2024-2028.
Nguồn: https://nhipcaudautu.vn/
Nội dung của bài
Những ý nghĩa quan trọng mà Cầu Thủ Thiêm 4 mang đến
UBND TP.HCM cho rằng, việc đầu tư cho dự án cầu Thủ Thiêm 4 là cần thiết để có thể hạn chế lưu lượng giao thông từ khu vực Q.Bình Thạnh, Q.Thủ Đức qua khu vực Q7, Q8 và huyện Bình Chánh và Nhà Bè; hạn chế tắc giao thông cho khu vực nội thành cũng như hạn chế và giảm tải tai nạn giao thông, gia tăng môi trường, điều kiện không gian liên quan đến hoạt động của các bến cảng, khu vực giao thông ở Q4 và Q7.
Giảm tải mật độ giao thông lên khu trung tâm
Cầu Thủ Thiêm 4 khi đưa vào sử dụng sẽ giúp giảm tải mật độ giao thông lên khu vực trung tâm TPHCM. Luồng xe từ khu vực phía Nam Sài Gòn đổ về hướng Q1 hoặc ngược lại sẽ ít dần do Cầu Thủ Thiêm 4 đã chia sẻ lưu lượng xe cộ đi thẳng từ Nam Sài Gòn qua KĐT Thủ Thiêm.
Tuyến đường Nguyễn Tất Thành chỉ có chiều dài với 2 km nhưng lại có lưu lượng giao thông rất cao do đây là tuyến đường ngắn nhất dành cho các phương tiện có thể di chuyển vào trung tâm TP. Thêm vào đó, con đường này cũng phải liên kết với Khu chế xuất Tân Thuận Q7, nên khi vào giờ cao điểm con đường hay xảy ra ách tắc giao thông nghiêm trọng, trở thành nỗi sợ đối với người dân khi di chuyển qua đây. Như vậy, Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ là “cứu tinh” cho trục đường Nguyễn Tất Thành, là công trình quan trọng cần phải triển khai sớm để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông.
Không những thế, nút giao giữa đường Nguyễn Văn Linh – đường Nguyễn Hữu Thọ cũng là nút giao thông thường kẹt xe “có tiếng” tại TPHCM. Công trình xây dựng hầm chui sẽ chính thức khởi công và hoàn thành trong năm 2022, kết hợp với Cầu Thủ Thiêm 4 trong tương lai sẽ đảm bảo rằng giao thông khu vực dễ chịu và thông thoáng.
Rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển
Từ Q7 sang Q2 trong khoảng thời gian chỉ còn 5 phút so với thời điểm không có cầu là 10 phút trở lên. Kinh tế đang ngày càng phát triển, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu cho con người, bảo vệ môi trường là những điểm nổi bật đến từ xây dựng hạ tầng giao thông, giảm thời gian di chuyển giữa các địa điểm.
Đòn bẩy cho BĐS khu Nam TPHCM
Được phát triển từ khoảng 20 năm về trước, khu vực Nam Sài Gòn ở Q7 và huyện Nhà Bè có cơ sở hạ tầng giao thông khá hoàn chỉnh. Nhưng đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông đã bị lỗi thời, có thể thấy ở các vụ kẹt xe liên tiếp xảy ra ở vài nút giao thông trọng điểm.
Hiện TP đang liên tục lên kế hoạch xây dựng các công trình giao thông xóa điểm đen. Cầu Thủ Thiêm 4 giúp phân chia lưu lượng giao thông để các nơi thường xảy ra tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm giảm bớt mật độ xe cộ. Cây cầu này chính là đòn bẩy phát triển cho BĐS khu Nam Sài Gòn.